Đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều thị trường lao động toàn cầu. Các doanh nghiệp buộc phải thích nghi với hình thức làm việc từ xa. Tuy nhiên, đối với nhà tuyển dụng thì xu hướng này có thể vừa là cơ hội lại vừa mang đến những thách thức.
Trong những điều kiện bắt buộc, làm việc từ xa là lựa chọn không thể tránh được. Dần dần, cả doanh nghiệp và người lao động đều phải từng bước thích nghi để duy trì hiệu quả công việc.
Với nhà tuyển dụng, việc ứng dụng các công nghệ vào tuyển dụng có thể sẽ cải thiện quá trình tuyển nhân viên mới cũng như quản lý, thúc đẩy, tạo động lực cho nhân viên hiện có. Mức độ gia tăng của việc tuyển dụng từ xa cũng dần dần phản ánh tính linh hoạt của lĩnh vực này.
1. Cơ hội và thách thức của nhà tuyển dụng khi doanh nghiệp làm việc từ xa
Mọi khía cạnh của quá trình tuyển dụng đã được thay đổi mạnh mẽ từ năm 2020 đến nay. Những xu hướng tuyển dụng trước đại dịch đã được sắp xếp lại và điều chỉnh để làm cho toàn bộ trải nghiệm trở nên thuận lợi hơn khi làm việc từ xa. Nếu nhà tuyển dụng có thể điều chỉnh tốt và thay đổi kịp thời thì rõ ràng, tuyển dụng từ xa cũng sẽ là một cơ hội.
Tuy nhiên, không thể tránh được các thách thức như chất lượng nguồn ứng viên, phỏng vấn, sàng lọc CV xin việc… Vậy các doanh nghiệp đang sử dụng những phương pháp nào để cải thiện hiệu suất khi tuyển dụng từ xa?
2. Những điều chỉnh cần thiết để cải thiện chất lượng tuyển dụng
A – Phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng
Thương hiệu nhà tuyển dụng và danh tiếng của một công ty có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút và thuê nhân tài hàng đầu không? Thương hiệu nhà tuyển dụng khác với thương hiệu để thu hút khách hàng nhưng không kém phần quan trọng. Nó giới thiệu cách văn hóa công ty hỗ trợ nhân viên, thể hiện sự hài lòng và lòng trung thành của nhân viên, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về môi trường làm việc.
Các công ty chia sẻ thương hiệu nhà tuyển dụng bằng cách xây dựng hình ảnh trên truyền thông, mạng xã hội, để các nhân viên trở thành “đại sứ” và cung cấp thông tin minh bạch, nâng cao chất lượng trải nghiệm ứng viên tìm việc làm.
B – Sàng lọc trước ứng viên
Mặc dù các phần mềm tương tác trực tuyến đã phổ biến hơn nhưng để phỏng vấn ứng viên qua Zoom hay Skype thì nhà tuyển dụng sẽ cần chuẩn bị nhiều hơn. Trước khi mời phỏng vấn, hãy chắc chắn rằng bạn đã sàng lọc CV xin việc ứng viên trước đó, kiểm tra thông tin, so sánh với tiêu chuẩn tuyển dụng… Tất cả đều nhằm đảm bảo rằng các cá nhân được thuê đáp ứng được kỳ vọng.
C – Kiểm tra kỹ năng
Trong điều kiện làm việc từ xa, công ty không thể giám sát nhân viên suốt cả ngày, việc kiểm tra kỹ năng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các bài kiểm tra kỹ năng cho phép nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn cách một thành viên mới hoạt động trong một nhóm, một phòng ban – ngay cả khi nhà tuyển dụng không thực sự hiểu chuyên môn của ứng viên. Nhiều công ty thậm chí tiến hành các bài kiểm tra tính cách để đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên tìm việc làm với văn hóa công ty, đặc biệt là tuyển dụng nhân viên kinh doanh và các ngành thường xuyên giao tiếp với khách hàng khác.
D – Thúc đẩy giao tiếp
Trong toàn bộ quá trình tuyển dụng từ xa, yếu tố quan trọng hàng đầu là giao tiếp. Mỗi bước của quy trình cần phải được trình bày rõ ràng và kỹ lưỡng. Email có lẽ là hình thức giao tiếp được sử dụng nhiều nhất trong quá trình tuyển dụng. Người phụ trách nên trao đổi, thống nhất thông tin với các bên liên quan và ứng viên.
E – Điều chỉnh phỏng vấn
Sau khi chọn lọc được CV xin việc phù hợp thì nhà tuyển dụng cần có quy trình phỏng vấn chuyên nghiệp. Có một số cách để nhà tuyển dụng tạo ra các phương pháp phỏng vấn tốt hơn khi phỏng vấn từ xa, đó là:
- Rõ ràng về lịch phỏng vấn.
- Tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn hóa để các ứng viên được đánh giá công bằng.
- Thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tuyến tại địa điểm, không gian yên tĩnh, thể hiện sự tôn trọng với ứng viên.
- Luôn thông báo và cập nhật kịp thời thông tin cho ứng viên.
Nhìn chung, hình thức làm việc từ xa có thể tạo ra thách thức nhưng cũng đồng thời mang đến những cơ hội cho nhà tuyển dụng, miễn là bạn đủ sáng tạo và sẵn sàng thay đổi. Với tình hình dịch bệnh Covid -19 phức tạp thì người tìm việc làm và nhà tuyển dụng cũng cần có sự linh hoạt, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh thực tế để mọi việc diễn ra suôn sẻ.